ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 191 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH LẠNG SƠN
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 191 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH LẠNG SƠN
(04/11/1831 - 04/11/2022)
(Kèm theo Công văn số 1752- CV/BTGTU, ngày 13 /10/2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lạng Sơn)
I. LẠNG SƠN QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ
Khi nước Văn Lang - nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải[1]. Theo Lịch triều hiến chương loại chí “Lạng Sơn đời cổ là đất Lạc Long, Tần là quận Nam Hải, Hán thuộc là quận Giao Chỉ, Đường đổi là Giao Châu”. Năm 678, nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ cai quản 41 châu ky my, Lạng Sơn được đặt các châu ky my và trực thuộc An Nam đô hộ phủ. Đến năm 791, khi nhà Đường lập Phong Châu đô đốc phủ, các châu ky my của Lạng Sơn do Phong Châu đô đốc phủ quản lý[2]. Trong thời kỳ đầu mới giành được độc lập, dưới ba triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lạng Sơn vẫn được quản lý theo chế độ các châu ky my của triều đình phong kiến trung ương.
Thời Lý, nước ta được chia thành 24 lộ, khu vực tỉnh Lạng Sơn hiện nay gọi là lộ Lạng Châu[3]. Năm 1292, nhà Trần chia cả nước thành 12 lộ, Lạng Sơn vẫn giữ nguyên là lộ Lạng Châu, sau đổi thành trấn Lạng Giang. Đến năm 1397, trấn Lạng Giang được đổi thành trấn Lạng Sơn[4].
Năm 1428, nhà Lê chia đất nước thành 5 đạo[5]. Trấn Lạng Sơn là một đơn vị thuộc Bắc Đạo. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông chia nước thành 12 thừa tuyên, trấn Lạng Sơn được đổi thành thừa tuyên Lạng Sơn[6]. Trong thời kỳ Lê Trung Hưng (1533 - 1789), thừa tuyên Lạng Sơn được đổi thành trấn Lạng Sơn[7].
Năm 1831, trấn Lạng Sơn được đổi thành tỉnh Lạng Sơn gồm 1 phủ và 7 châu[8]. Đến năm 1836, nhà Nguyễn tách 2 châu (Văn Uyên, Thoát Lãng), 2 huyện (Văn Quan, Thất Khê) để thành lập thêm một phủ mới là phủ Tràng Định.
Sau khi đánh chiếm đất nước ta, năm 1888, thực dân Pháp xếp tỉnh Lạng Sơn vào quân khu 12. Tháng 8/1891, thực dân Pháp bỏ quân khu để thành lập các đạo quan binh, Lạng Sơn là nơi đóng thủ phủ của đạo quan binh II. Năm 1894, chính quyền đô hộ thực dân Pháp tách 5 tổng[9] của Võ Nhai để thành lập châu Bắc Sơn sáp nhập vào tỉnh Lạng Sơn.
Năm 1895, huyện Yên Bác nhập vào tỉnh Bắc Giang[10]. Ngày 20/6/1905, thực dân Pháp lại bỏ đạo quan binh và xác lập lại tên gọi cũ là tỉnh Lạng Sơn. Đầu thế kỷ XX, tỉnh Lạng Sơn có 1 phủ và 9 châu[11]. Tháng 8/1939, thực dân Pháp cho đổi một số châu thành phủ, tỉnh Lạng Sơn lúc này có 3 phủ: Tràng Định, Văn Uyên, Cao Lộc, các châu còn lại vẫn giữ nguyên như cũ[12].
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), để thuận lợi cho chỉ đạo kháng chiến, ngoài chính quyền cấp tỉnh, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập các chiến khu trực tiếp lãnh đạo các địa phương cấp tỉnh. Thời kỳ đầu, tỉnh Lạng Sơn thuộc Chiến khu 1- một trong chín chiến khu được thành lập theo Sắc lệnh ngày 15/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh chia cả nước thành 12 chiến khu, tỉnh Lạng Sơn trực thuộc Chiến khu 12. Năm 1947, các chiến khu được điều chỉnh thành các Liên khu, Lạng Sơn thuộc Liên khu A. Năm 1948, Liên khu A đổi tên thành Liên khu 1, Lạng Sơn thuộc Liên khu 1. Ngày 04/11/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 127/SL hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10 thành Liên khu Việt Bắc[13], Lạng Sơn là 1 trong 17 tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, địa giới hành chính tỉnh Lạng Sơn có một số thay đổi, tháng 7/1947, Khu ủy 12 quyết định tạm thời chuyển giao huyện Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn cho tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) quản lý; ngày 07/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 48/SL tách huyện Lộc Bình (tỉnh Hải Ninh) sáp nhập về Lạng Sơn. Lúc này, tỉnh Lạng Sơn có 11 huyện, thị: Bằng Mạc, Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Điềm He, Lộc Bình, Ôn Châu, Thoát Lãng, Văn Uyên, Tràng Định và thị xã Lạng Sơn
Sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), ngày 01/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 268/SL thành lập Khu tự trị Việt Bắc gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và huyện Hữu Lũng của tỉnh Bắc Giang. Ngày 29/7/1956, nhân việc thành lập khu tự trị Việt Bắc, theo Quyết định của Chính phủ, Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Giang đã tiến hành bàn giao huyện Hữu Lũng từ tỉnh Bắc Giang về tỉnh Lạng Sơn[14]. Ngày 23/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 020/SL sáp nhập tỉnh Hà Giang vào Khu tự trị Việt Bắc.
Ngày 16/12/1964, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 177/CP về việc điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái và Thanh Hóa. Theo đó, tại tỉnh Lạng Sơn, huyện Điềm He cùng 6 xã của huyện Bằng Mạc hợp nhất thành huyện Văn Quan; huyện Ôn Châu cùng 8 xã còn lại của huyện Bằng Mạc hợp nhất thành huyện Chi Lăng; huyện Văn Uyên và huyện Thoát Lãng hợp nhất thành huyện Văn Lãng. Lúc này, tỉnh Lạng Sơn có thị xã Lạng Sơn và 9 huyện[15].
Ngày 27/12/1975, Quốc hội Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà Khoá V quyết định bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính. Tháng 4/1976, tỉnh Lạng Sơn hợp nhất với tỉnh Cao Bằng thành tỉnh Cao Lạng. Ngày 29/12/1978, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa VI ban hành Nghị quyết tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, sáp nhập huyện Đình Lập của tỉnh Quảng Ninh vào tỉnh Lạng Sơn[16]. Từ đây, tỉnh Lạng Sơn có 10 huyện và 1 thị xã: Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình, Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan, Văn Lãng, Đình Lập, Tràng Định và Thị xã Lạng Sơn.
Ngày 17/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2002/NĐ-CP, về việc thành lập thành phố Lạng Sơn, thuộc tỉnh Lạng Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Lạng Sơn. Từ đây, tỉnh Lạng Sơn có 10 huyện, 01 thành phố là: Huyện Bắc Sơn, huyện Bình Gia, huyện Cao Lộc, huyện Chi Lăng, huyện Đình Lập, huyện Tràng Định, huyện Lộc Bình, huyện Văn Lãng, huyện Văn Quan, huyện Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn. Ngày 25/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 325/QĐ-TTg công nhận thành phố Lạng Sơn là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Lạng Sơn. Ngày 21/11/2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 818/NQ-UBTVQH 14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lạng Sơn, theo đó tỉnh Lạng Sơn có 10 huyện và 01 thành phố; 200 xã, phường, thị trấn[17].
II. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, XÃ HỘI
1. Điều kiện tự nhiên
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới ở phía Đông Bắc của Tổ quốc Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng; phía Đông Bắc giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc); phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang; phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn; phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên. Lạng Sơn có đường biên giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc dài 231,74 km; có 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa song phương và các cửa khẩu phụ.
Tỉnh Lạng Sơn có diện tích 8.310,09 km²[18]; độ cao trung bình so với mực nước biển là 252m, điểm cao nhất là đỉnh núi Mẫu Sơn 1.541 m, điểm thấp nhất là 20m, ở phía Nam huyện Hữu Lũng, trên thung lũng sông Thương. Khí hậu Lạng Sơn thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm giao động từ 17ºC - 22ºC.
Lạng Sơn có mạng lưới sông ngòi tương đối dày đặc. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có các dòng sông chính: Sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Lục Nam, sông Nà Lang, sông Phố Cũ và sông Đồng Quy.
Lạng Sơn nổi tiếng bởi có những cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú như Động Tam Thanh, Động Nhị Thanh, Chùa Tiên, tượng đá Nàng Tô Thị, núi Mẫu Sơn; có các loại trái cây đặc sản như: Hồng Bảo Lâm, đào Mẫu Sơn, na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn; hoa hồi - sản vật quý của Lạng Sơn...
Do vị trí là một tỉnh miền núi, biên giới ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn có hệ thống đường giao thông thuận tiện cho giao thương, hội nhập phát triển kinh tế với Trung Quốc và với các tỉnh trong cả nước. Hệ thống các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh là các tuyến 1A, 1B, 4A, 4B, 3A, 3B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế. Trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Lạng Sơn cách thủ đô Hà Nội 154 km đi theo tuyến đường 1A, có điểm đầu quốc lộ 1A tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.
2. Điều kiện xã hội
Dân số Lạng Sơn tính đến hết năm 2019[19] là 781.655 người. Có 7 dân tộc chủ yếu là Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông.
Với mạch nguồn văn hoá Bắc Sơn, văn hoá Mai Pha, văn hoá dân gian, văn hoá tín ngưỡng truyền thống, từ đời này qua đời khác, các thế hệ con người Xứ Lạng mãi lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc qua các lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ (còn gọi là lễ hội đầu pháo), lễ hội Đồng Đăng, lễ hội đền Bắc Nga, lễ hội đền Bắc Lệ, lễ hội Lồng tồng, lễ hội Bủng Kham, lễ hội Phài Lừa..., qua các làn điệu dân ca (đồng dao Tày – Nùng; sli Nùng Cháo; quan làng, sli Nùng Phàn Slình; then, phong slư, múa chầu trong then – mo Nùng; xiên tâng – tào, lượn Tày; hát ru Nùng, Tày, Dao, Sán Chay...).
III. TRUYỀN THỐNG CỦA TỈNH LẠNG SƠN
1. Truyền thống yêu nước
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, trên vùng đất cửa ngõ phên dậu, địa đầu của Tổ quốc có ải Phia Luỹ, ải Chi Lăng hiên ngang kiên cường, các thế hệ những người con của quê hương Xứ Lạng đã không ngừng đứng lên kề vai sát cánh cùng quân và dân cả nước đánh bại những cuộc xâm lăng của các thế lực phương Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, giữ yên bờ cõi.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược thế kỷ XI, hỗ trợ quan quân triều đình nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy, các đội dân binh vùng Văn Uyên, Thoát Lãng do các thủ lĩnh Thân Thừa Quý, Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc chỉ huy đã tiến hành những cuộc chiến đấu anh dũng tiêu diệt quân xâm lược, lập nên những chiến công vang dội ở vùng biên ải.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII, các đội dân binh Văn Uyên, Thoát Lãng do thủ lĩnh Nguyễn Thế Lộc chỉ huy đã chiến đấu kiên cường, ngăn chặn, tiêu hao binh lực của giặc ngay tại cửa ải Phia Luỹ, góp phần cùng quan quân nhà Trần đánh bại cuộc xâm lăng của quân Nguyên - Mông.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh thế kỷ XV, các đội dân binh Văn Uyên, Thoát Lãng sát cánh cùng quân Lam Sơn do hai tướng Lê Lựu và Lê Bôi chỉ huy đã chặn đánh giặc quyết liệt từ ải Phia Luỹ đến Khau Cấp (Kỳ Lừa), tiêu diệt hàng nghìn tên giặc. Trong trận quyết chiến tại ải Chi Lăng lịch sử, các đội quân dân binh vùng Chi Lăng do Đại Huề chỉ huy đã cùng với các đội quân Lam Sơn chiến đấu anh dũng, đánh bại hoàn toàn quân xâm lược Minh.
Trong chiến dịch thần tốc của quân Tây Sơn do vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ huy tiêu diệt quân Thanh xâm lược năm 1789, các đội quân vùng Văn Uyên, Thoát Lãng do phiên thần Nguyễn Đình Vượng chỉ huy đã liên tục tiến hành tập kích giặc ở Đoàn Thành, Kỳ Lừa, Hoàng Đồng. Phối hợp với quân Tây Sơn chặn đánh tướng Tôn Sĩ Nghị rút chạy từ Đoàn Thành đến ải Phia Luỹ, góp phần làm nên chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập của quốc gia, dân tộc.
Kế thừa truyền thống đấu tranh yêu nước của các thế hệ đi trước, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã anh dũng đứng lên chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Truyền thống đấu tranh yêu nước chống giặc ngoại xâm của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn từ đời này qua đời khác đã nuôi dưỡng sức mạnh, tạo nên khí phách bất khuất của các thế hệ những con người sống trên vùng đất phên dậu, cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc.
2. Truyền thống đoàn kết
Lạng Sơn là một tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tuy có đôi nét khác nhau về ngôn ngữ, phong tục tập quán, nhưng cộng đồng các dân tộc ở Lạng Sơn đã cùng nhau chung sống hoà thuận, đoàn kết suốt từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, từ thời dựng nước Văn Lang - Âu Lạc đến nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cộng đồng các dân tộc Lạng Sơn luôn đoàn kết xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương thành một tỉnh giàu mạnh ở vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc.
3. Truyền thống văn hoá
Từ mạch nguồn văn hoá Bắc Sơn, văn hoá Mai Pha đã hình thành vùng văn hoá Xứ Lạng đặc sắc với các giá trị văn hoá phi vật vật thể và văn hoá vật thể.
Về văn hoá phi vật thể ở Lạng Sơn là ngôn ngữ Tày, Nùng; là tục thờ cúng tổ tiên, thờ thần linh, dân ca sli, lượn, then, ca dao tục ngữ Tày, Nùng; là cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân Đại Huề, Nguyễn Thế Lộc, Thân Cảnh Phúc, Vi Đức Thắng, Thân Công Tài, Ngô Thì Sỹ, Hoàng Đình Kinh, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri... đến những thành tựu tiêu biểu của văn hoá nghệ thuật Lạng Sơn hiện đại.
Về văn hóa vật thể ở Lạng Sơn có những danh thắng nổi tiếng là động Tam Thanh (chùa Tam Thanh), động Nhị Thanh, Chùa Tiên, Giếng Tiên, tượng đá nàng Tô Thị, thành Nhà Mạc; quần thể núi Mẫu Sơn; quần thể các hang động gắn liền với di chỉ khảo cổ hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (huyện Bình Gia), Ba Xã (huyện Văn Quan), Mai Pha (thành phố Lạng Sơn), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy chứng tích về di chỉ thời kỳ đồ đá, phản ánh nền văn minh sơ khai của loài người: Văn hoá Bắc Sơn, Văn hoá Mai Pha; hệ thống di tích kiến trúc nghệ thuật và tôn giáo, tín ngưỡng (thành cổ, đình, đền, chùa, văn bia...) có giá trị nghệ thuật cao; di tích lịch sử - cách mạng ghi dấu các chiến công oai hùng, hiển hách, những sự kiện lịch sử hào hùng của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt là Di tích lịch sử Chi Lăng, Di tích lịch sử Khởi nghĩa Bắc Sơn... Những giá trị văn hoá tiêu biểu, những tinh hoa, đặc trưng dân tộc, gắn kết chặt chẽ với nhau tạo nên bản sắc văn hoá Xứ Lạng, đó là lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, sự tinh tế trong ứng xử, trung thực, nhân ái trong lối sống.
4. Truyền thống chuyên cần, sáng tạo trong lao động
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, khắc phục những khó khăn của thời tiết, địa hình, hệ thống giao thông..., đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có truyền thống chuyên cần, sáng tạo trong lao động sản xuất, chống chọi với thiên tai để sinh tồn, chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác những thuận lợi, vượt qua những cam go, thách thức, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả quan trọng trên những chặng đường xây dựng và phát triển.
IV. TỈNH LẠNG SƠN 191 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
1. Sự kiện thành lập tỉnh Lạng Sơn[20]
Sách Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn), chính biên đệ nhị kỷ ghi rõ “Tân Mão, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) mùa Đông, tháng Mười, ngày mồng 1 làm Lễ Đông hưởng” (tức ngày 04/11/1831), triều đình phong kiến nhà Nguyễn chia định địa hạt phía Bắc, đặt thành 18 tỉnh từ Quảng Trị trở ra, trong đó, có tỉnh Lạng Sơn. Khi thành lập tỉnh, Lạng Sơn bao gồm 01 phủ và 7 châu.
Năm 1888, thực dân Pháp xếp tỉnh Lạng Sơn vào quân khu 12. Tháng 8/1891, thực dân Pháp bỏ quân khu để thành lập các đạo quan binh, Lạng Sơn là nơi đóng thủ phủ của đạo quan binh II. Ngày 20/6/1905, thực dân Pháp bỏ đạo quan binh và xác lập lại tên gọi cũ là tỉnh Lạng Sơn.
2. Những cuộc đấu tranh đầu tiên của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX
Vào cuối năm 1885, thực dân Pháp chiếm thị xã Lạng Sơn, Đồng Đăng, Thất Khê và một số vị trí chiến lược quan trọng trên dọc đường số 4 đến tận địa giới tỉnh Cao Bằng. Còn một nửa đường số 4 từ thị xã Lạng Sơn về tỉnh Quảng Ninh, đến tháng 01/1888, quân Pháp cho xây đồn Đình Lập để kiểm soát quãng đường từ Lạng Sơn đi Tiên Yên (Móng Cái).
Sau khi đánh chiếm được Lạng Sơn, thực dân Pháp vừa chú ý tới việc bình định, vừa chú ý mở rộng mạng lưới giao thông vận tải để khai thác tài nguyên và để hành quân đi các nơi đàn áp những cuộc nổi dậy của nhân dân ta.
Tháng 5/1885, quân ta phục kích đoàn vận tải của quân Pháp trên đường Đồng Đăng đi Na Sầm, diệt nhiều tên xâm lược tại Tà Lài, Pác Luống. Ngày 31/5/1885, Hoàng Thái Nhân trực tiếp chỉ huy nghĩa quân Cai Kinh tiến đánh đồn Chi Lăng, tiêu diệt một số lớn quân Pháp rồi rút lui an toàn. Tháng 12/1887, Pháp tập trung binh lực điều từ Lạng Sơn, Thất Khê, Bắc Giang về bủa vây bốn mặt, quyết tâm tiêu diệt lực lượng kháng chiến của quân dân ta. Tên đại tá của Pháp là Dugenne đã bị một toán nghĩa quân Cai Kinh do Hoàng Quế Thọ chỉ huy bắn chết tại đèo Canh Giàn, xã Trấn Yên, Châu Bắc Sơn.
Ngày 07/02/1892, hơn 200 nghĩa quân tấn công đồn Chi Lăng gần ga Than Muội xã Quang Lang, Ôn Châu gây cho địch nhiều tổn thất. Tháng 9/1892, nghĩa quân tổ chức phục kích đoàn xe vận tải của địch trên con đường từ Lạng Sơn đi Thất Khê, cắt đứt đoạn đường Đèo Khách. Quân Pháp đóng trong thành Lạng Sơn phải xin viện binh từ Hà Nội lên đàn áp. Cũng trong tháng 9/1892, hơn 1.500 nghĩa quân tiến vào vây hãm đồn Thất Khê, chiếm các cao điểm ở vùng này, đánh nhau quyết liệt với quân Pháp trong 9 ngày, giành thắng lợi lớn...
Ngoài những cuộc nổi dậy tự phát của nhân dân ta ở các nơi, ngay trong hàng ngũ của quân đội Pháp, một số anh em binh lính người Việt cũng nổi lên chống lại chúng. Tháng 10/1920, Đội Ấn ở đồn cảnh sát tỉnh Lạng Sơn chỉ huy 600 nghĩa quân người Nùng và Tày xuất phát từ vùng Cao Lâu, Xuất Lễ theo đường Bản Sâm, đang đêm đột nhập vào phố Kỳ Lừa và đánh trại lính khố xanh của Pháp ở Đông Kinh, thị xã Lạng Sơn[21], làm cho chúng hoảng loạn. Quân khởi nghĩa giết chết tên tuần phủ Cung Khắc Đản, một tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp.
3. Phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến tới cách mạng tháng Tám năm 1945
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, chi bộ Đảng chỉ đạo phong trào vùng núi biên giới Việt - Trung được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Hoàng Hồng Việt... do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công cùng đồng chí Lương Văn Tri chỉ đạo xây dựng, phát triển phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn. Nhiều tổ chức quần chúng cách mạng được nhanh chóng gây dựng và phát triển ở khu vực Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Yên, Thuỵ Hùng trong những năm 1932, 1933, tạo nòng cốt quan trọng cho việc mở rộng phong trào cách mạng ra nhiều nơi khác trong tỉnh.
Đến giữa năm 1933, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên[22] của tỉnh Lạng Sơn được thành lập tại xã Thuỵ Hùng, châu Văn Uyên (nay là xã thụy Hùng, huyện Cao Lộc) do đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư. Chi bộ Đảng Thụy Hùng thành lập là cột mốc đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn.
Tháng 8/1934, đồng chí Hoàng Văn Thụ đề nghị với đồng chí Lê Hồng Phong - Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, triệu tập và chủ trì cuộc họp với Chi bộ Thụy Hùng ở hang Áng Cúm. Sau khi đánh giá và nhận định sự phát triển của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, đồng chí Lê Hồng Phong chỉ thị thành lập Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn[23]. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng phân công trực tiếp phụ trách Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn[24].
Ngày 25/9/1936, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Châu Bắc Sơn được thành lập tại Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn). Ngày 11/4/1938, chi bộ Đảng cộng sản ở Tràng Định được thành lập tại thôn Nà Han, xã Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương, huyện Tràng Định)[25].
Ngày 27/9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, báo hiệu thời kỳ đấu tranh mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng - thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Ngày 23/02/1941, tại Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chính thức được thành lập gồm 32 chiến sĩ[26]. Đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ được Trung ương chỉ định đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng, đồng chí Chu Văn Tấn giữ chức vụ Chỉ huy phó.
Thực hiện nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), tỉnh Lạng Sơn đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị mọi lực lượng và điều kiện để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1944, phong trào Việt Minh phát triển ở Bắc Sơn, Tràng Định, Thoát Lãng, Văn Uyên, Bình Gia. Các lớp huấn luyện tập trung của tỉnh lần lượt được tổ chức ở Khuổi Nghiều, Tà Lừa, Nà Chát, Khuổi Nhừ (Tràng Định), thu hút hàng trăm người tham gia. Đầu năm 1945, ảnh hưởng của phong trào Việt Minh đã lan tới các địa phương trong tỉnh như Điềm He, Bằng Mạc, Ôn Châu, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập.
Được sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng và sự vận động, tổ chức tích cực của cứu quốc quân từ căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, các đội vũ trang tuyên truyền chiến đấu lần lượt được thành lập ở nhiều địa phương trong tỉnh. Các khu căn cứ du kích cũng được thành lập ở Hội Hoan (Thoát Lãng), Chí Minh (Tràng Định), Văn Mịch (Bình Gia).
Ngày 16 đến ngày 17/4/1945, Đảng bộ Bắc Sơn chỉ đạo các đội vũ trang tổ chức tiêu diệt các đồn bốt của địch, làm hậu thuẫn vững chắc cho đông đảo quần chúng nhân dân lần lượt giải phóng các xã: Vũ Lễ, Vũ Lăng, Hưng Vũ, Bắc Sơn, Chiêu Vũ. Trên đà thắng lợi, ngày 18/4/1945, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng tiến vào giải phóng châu lỵ, giải tán chính quyền địch, tổ chức mít tinh mừng thắng lợi.
Ngày 19/4/1945, trung đội vũ trang tuyên truyền châu Bình Gia do đồng chí Hà Tân Cương chỉ huy phối hợp cùng đội vũ trang giải phóng do đồng chí Quốc Vinh chỉ huy từ Bắc Sơn sang, tiến công vào đồn Bình Gia và nhanh chóng làm chủ châu lỵ.
Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/1945, quân cách mạng đã hoàn toàn làm chủ các thôn, xã ở Thoát Lãng (trừ thị trấn Na Sầm, quân Nhật vẫn còn chiếm đóng).
Ngày 02/5/1945, phối hợp với quần chúng cách mạng, các đội vũ trang chiến đấu đã tấn công đồn Pò Mã (xã Quốc Khánh), tiêu diệt quân địch, giải phóng xã Quốc Khánh, thành lập chính quyền cách mạng. Đến đầu tháng 6, hầu hết các xã ở Tràng Định đã thành lập được chính quyền cách mạng.
Đêm ngày 20 rạng ngày 21/6/1945, các đội vũ trang tuyên truyền từ Bình Gia, Bắc Sơn tiến về châu Bằng Mạc, phối hợp cùng với sự nổi dậy của quần chúng, tấn công đồn Vạn Linh, làm chủ châu lỵ.
Ngày 03/7/1945, một đội vũ trang chiến đấu do đồng chí Hoàng Văn Kiểu trực tiếp chỉ huy từ Thoát Lãng sang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng cách mạng trong huyện, tiến công đánh chiếm đồn Điềm He, làm chủ châu lỵ.
Ngày 19/8/1945, tại Đồng Mỏ (Ôn Châu), dưới sự chỉ đạo của Ban Việt Minh châu, được sự tăng cường của lực lượng vũ trang chủ lực của tỉnh, quần chúng cách mạng đã nhất tề nổi dậy, tiến công quân Nhật, làm chủ châu lỵ. Cùng ngày, tại Hữu Lũng, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng nổi dậy làm chủ phố Mẹt (châu lỵ Hữu Lũng).
Ngày 21/8/1945, tại Thất Khê (Tràng Định), dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã nổi dậy tiến công, bao vây tước vũ khí quân Nhật, làm chủ phố Thất Khê, giải phóng hoàn toàn Tràng Định.
Ngày 22/8/1945, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng ở Thoát Lãng đã làm chủ Na Sầm, giải phóng hoàn toàn Thoát Lãng.
Rạng sáng ngày 25/8/1945, lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng ở các vùng lân cận bằng nhiều hướng đã tiến vào thị xã Lạng Sơn, nhanh chóng chiếm các căn cứ đóng quân của địch, bao vây dinh tỉnh trưởng, buộc Linh Quang Vọng phải đầu hàng, giải phóng thị xã Lạng Sơn. Cùng ngày, dưới sự phát động trực tiếp của Ban Việt Minh Cao Lộc, phối hợp với sự tiến công của lực lượng vũ trang của tỉnh, quần chúng cách mạng ở Cao Lộc đã đồng loạt nổi dậy giành chính quyền.
Ngày 28/8/1945, lực lượng vũ trang của tỉnh đã tiến về Lộc Bình cùng nhân địa phương giải phóng châu lỵ, thiết lập chính quyền cách mạng.
Tại Đình Lập, ngày 18/11/1945, chính quyền cách mạng từ huyện xuống các xã được thành lập. Đây là sự kiện ghi nhận thắng lợi toàn diện của cách mạng tháng Tám tại tỉnh Lạng Sơn.
Từ tháng 10/1945, sau khi Uỷ ban nhân dân lâm thời của tỉnh được thành lập, tình hình cách mạng trong tỉnh có những chuyển biến rõ rệt. Tháng 12/1945, Thành bộ Việt Minh tỉnh Lạng Sơn được thành lập[27] do đồng chí Hà Văn Thư làm Chủ nhiệm.
Sau cách mạng tháng Tám, Lạng Sơn là một trong những tỉnh đầu tiên của nước ta bị quân Tưởng và bè lũ tay sai đặt chân tới sớm nhất hòng triển khai mưu đồ tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động đánh đổ chính quyền nhân dân, lập nguỵ quyền tay sai của chúng.
Song song với việc ngăn chặn và đập tan âm mưu của quân Tưởng và bè lũ tay sai, ngày 06/01/1946, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức cho hàng vạn đồng bào các dân tộc trong tỉnh đi bầu cử đại biểu Quốc hội, thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam.
Thành quả xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân đã tạo động lực mạnh mẽ cho tỉnh Lạng Sơn sớm bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở màn bằng cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta chống lại cuộc tấn công gây hấn của thực dân Pháp ở thị xã Lạng Sơn ngày 25/11/1946.
4. Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954)
Hòa cùng khí thế kháng chiến của cả dân tộc, quân và dân Lạng Sơn anh dũng bước vào trận chiến đấu chống quân thù xâm lược với tất cả quyết tâm sắt đá: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Cuối tháng 7/1946, Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh được kiện toàn, củng cố thành Ủy ban hành chính tỉnh, do đồng chí Trần Minh Tước làm Chủ tịch. Ngay sau đó, Ủy ban bảo vệ của tỉnh cũng được thành lập.
Giữa năm 1947, toàn tỉnh hình thành hai vùng chiến lược theo hình thái các khu căn cứ liên hoàn với nhau từ Bình Gia, Bắc Sơn, Bằng Mạc, Điềm He cho đến Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập. Đến cuối năm 1947, các căn cứ du kích của tỉnh bắt đầu được xây dựng ở Chi Lăng (Lộc Bình), Ba Sơn (Cao Lộc). Hoạt động của quân và dân ta ở căn cứ Chi Lăng, Ba Sơn gây cho địch nhiều tổn thất, góp phần khống chế, phân tán, chia cắt lực lượng địch.
Từ tháng 10/1947, khi thực dân Pháp mở những cuộc hành quân lớn, tấn công lên Việt Bắc, các lực lượng vũ trang nhân dân Lạng Sơn nhanh chóng phối hợp với Trung đoàn chủ lực 174 chặn đánh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch trên dọc đường số 4, một trong những con đường tấn công chính để thực hiện chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.
Ngày 30/10/1947, Tiểu đoàn 249 tổ chức phục kích địch ở đoạn đường Bông Lau - Lũng Phầy, sau 25 phút chiến đấu, tiểu đoàn làm chủ trận địa, tiêu diệt 27 xe quân sự, 94 lính Âu - Phi, 55 lính ngụy, bắt làm tù binh 101 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Bông Lau mở đầu cho hàng loạt những trận đánh oanh liệt của quân và dân ta trên mặt trận đường số 4, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân trong tỉnh.
Bước sang năm 1948, địch thay đổi chiến lược, ta vẫn liên tiếp giành nhiều chiến công ở Bó Củng, Bản Bẻ, Nà Cáy, Lũng Phầy, Bản Trang, Đồng Đăng và một số địa bàn thuộc Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Uyên, Thoát Lãng, Tràng Định và vùng quanh các khu căn cứ du kích Ba Sơn, Chi Lăng, Nà Thuộc mở đầu thời kỳ thi đua giết giặc lập công.
Tháng 3/1949, từ khu du kích Ba Sơn, bộ đội ta liên tiếp tập kích, cắt đứt đường giao thông huyết mạch của địch và tiến công giải phóng hoàn toàn hai xã Cao Lâu, Xuất Lễ. Tại khu du kích Chi Lăng, khu du kích Nà Thuộc, quân và dân địa phương đã đẩy lùi hàng chục đợt tiến công càn quét, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, khống chế sự tiếp viện của chúng từ Tiên Yên qua Đình Lập, Lộc Bình.
Tháng 7/1949, Ban Chỉ đạo kháng chiến tỉnh Lạng Sơn được kiện toàn[28]. Tháng 02/1950, hoạt động của các đại đội địa phương và bộ đội chủ lực đã gây cho địch nhiều thiệt hại. Tháng 4/1950, du kích huyện Cao Lộc cùng với Đại đội 815 bao vây đồn Bản Sâm, quân giặc bỏ đồn tháo chạy về thị xã, ta truy kích tiêu diệt nhiều tên. Trên trục đường số 1, quân và dân các huyện Hữu Lũng, Ôn Châu tăng cường quấy rối các đồn bốt, phá hủy các đầu máy xe lửa, toa xe và hàng chục km đường sắt gây cho địch nhiều khó khăn.
Ngày 16/9/1950, Chiến dịch Biên giới bắt đầu, quân ta nổ súng tấn công tiêu diệt đồn Đông Khê, mở màn giành thắng lợi cho chiến dịch. Ta liên tiếp chủ động tiến công tiêu diệt địch trên toàn bộ tuyến đường số 4.
Ngày 03 đến ngày 08/10/1950, hai binh đoàn chủ lực của Pháp bị đánh tan, cánh quân cứu viện từ Hà Nội lên cũng bị ta tiêu diệt. Ngày 10/10/1950, địch rút khỏi Thất Khê; ngày 13/10/1950, địch rút khỏi Na Sầm, Đồng Đăng; ngày 17/10/1950, địch rút khỏi thị xã Lạng Sơn, Cao Lộc, các huyện, thị xã lần lượt được giải phóng. Đêm 30 rạng 31/10/1950, quân ta tiến vào tiếp quản Đình Lập. Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng và trở thành hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược.
Hiểu rõ nhiệm vụ của tỉnh hậu phương phục vụ tiền tuyến, hướng tới chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Lạng Sơn đã thi hành triệt để Sắc lệnh thuế nông nghiệp, kịp thời ủng hộ lương thực cho Nhà nước. Lực lượng vũ trang được tăng cường củng cố. Công tác tuyển quân được đẩy mạnh. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, rất nhiều chiến sĩ của quê hương Xứ Lạng đã có mặt khắp mặt trận nóng bỏng, anh dũng chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xương máu của mình vào thắng lợi chung của toàn quân và toàn dân ta trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng (07/5/1954).
5. Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955 - 1975)
5.1. Từ năm 1955 đến năm 1960
Năm 1955, toàn tỉnh tổ chức phát động giảm tô đợt 8 ở 51 xã thuộc Văn Uyên, Ôn Châu, Bằng Mạc, Cao Lộc, Lộc Bình và thị xã Lạng Sơn; trợ giúp các hộ nông dân thiếu đói 40 tấn thóc, 70.000 mét vải; tổ chức các lớp học về chủ trương thành lập Khu tự trị Việt Bắc; tổ chức các lớp học văn hóa ở hầu hết các vùng nông thôn, thị xã, thị trấn; triển khai công tác sửa sai.
Trong giai đoạn này, địa giới hành chính tỉnh Lạng Sơn có sự thay đổi. Từ năm 1956, Lạng Sơn tiếp nhận huyện Hữu Lũng thuộc tỉnh Bắc Giang về thành một đơn vị hành chính của tỉnh.
Ngày 23/02/1960, tỉnh Lạng Sơn vinh dự và tự hào được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Bác đã ân cần nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn tại sân vận động Đông Kinh. Bác biểu dương “trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào và cán bộ tỉnh ta đã có nhiều cố gắng và thành tích. Đó là những ưu điểm, Trung ương và Chính phủ vui lòng khen ngợi toàn thể cán bộ và đồng bào”.
5.2. Từ năm 1961 đến năm 1965
Trong giai đoạn này, tỉnh Lạng Sơn mở hàng trăm km đường dân sinh, cơ cấu sản xuất bước đầu hình thành với các vùng chuyên canh, ngành cơ khí của tỉnh sản xuất được hàng vạn công cụ cải tiến, các địa phương đều có những chuyển biến mới.
Đến cuối năm 1965, tổng số đường giao thông nông thôn trong toàn tỉnh có gần 1.500 km. Toàn tỉnh, diện tích lúa chiêm được tưới tiêu là 1.428 ha, diện tích lúa mùa được tưới tiêu là 22.960 ha. Ngành bưu điện sửa chữa và lắp đặt được 16 trạm máy mới. Tổ chức được 200 trạm bưu chính khu vực, 12 trạm truyền thanh, có gần 3.000 loa kim với gần 200 km đường dây dẫn. Ngành văn hóa tổ chức được 120 đội tuyên truyền lưu động, 14 đội chiếu bóng lưu động. Ngành y tế xây dựng được 160 trạm y tế cơ sở.
5.3. Tiến hành chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ
Cuối năm 1964, máy bay Mỹ liên tiếp xâm phạm vùng trời Lạng Sơn. Lạng Sơn từ thời bình chuyển sang thời chiến.
Ngày 20/9/1965, máy bay Mỹ đánh vào các mục tiêu dọc quốc lộ 1A và đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội như: Thị trấn Đồng Mỏ, ga Đồng Mỏ, cầu Sông Hóa, ga Sông Hóa, thị trấn Mẹt.....Đại đội phòng không 101 pháo cao xạ đã bắn rơi một máy bay phản lực. Ngày 05/10/1965, dân quân Chi Lăng và Hữu Lũng bắn cháy 02 máy bay địch. Dân quân xã Tân Thành bắn rơi 01 máy bay địch. Ngày 01/12/1965, tiểu đội nữ dân quân Quang Lang (Chi Lăng) bắn rơi 1 máy bay địch.
Ngày 01/6/1966, đơn vị phòng không cầu Sông Hóa bắn rơi 1 máy bay địch. Ngày 20/6/1966 và ngày 05/7/1966, bắn rơi 02 máy bay địch ở cầu Sông Hóa. Ngày 11/71966, ở ga Phố Vị và thị trấn Mẹt, quân dân Lạng Sơn bắn rơi 02 máy bay Mỹ. Tháng 11/1966, ở cầu Sông Hóa, ta bắn rơi tại chỗ 01 chiếc F-4H của giặc Mỹ.
Sang năm 1967, địch đánh phá ác liệt hơn, ta bắn rơi 01 chiếc F-4 ở ga Voi Xô. Ngày 25/8/1972, chúng đánh phá dữ dội thị xã Lạng Sơn, ta bắn tan 01 chiếc F-4H, bắt sống giặc lái. Ngày 12/9/1972, địch tiếp tục đánh phá ác liệt thị xã Lạng Sơn, các đơn vị phòng không đã anh dũng bắn tan 01 máy bay phản lực của địch. Đây là chiếc máy bay thứ 3.900 của giặc Mỹ bị bắn rơi trên Miền Bắc.
Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng và Quân khu I, Tỉnh đã thành lập 2 tiểu đoàn tăng cường để chi viện cho tiền tuyến có phiên hiệu Bắc Sơn 1, Bắc Sơn 2. Các tiểu đoàn này đã lập công xuất sắc trên các chiến trường miền Nam.
Từ tháng 5/1972, Lạng Sơn được Trung ương giao cho nhiệm vụ bảo quản và vận chuyển tốt hàng hóa, bảo đảm giao thông và hoàn thành hơn 40km đường ống dẫn dầu qua địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng thành lập Ban giải tỏa hàng hóa và điều hòa vận tải.
5.4. Củng cố khôi phục và phát triển kinh tế xã hội ở Lạng Sơn từ năm 1966 đến năm 1972
Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế xã hội, năm 1966, nhiều hợp tác xã trong tỉnh đạt năng suất 5 tấn/ha; hoàn thành 120 công trình thủy điện nhỏ với công suất gần 2.000 KW; ngành lâm nghiệp trồng được 3.000 ha rừng; chăm sóc có kết quả gần 2.000 ha cây thuốc lá và hàng nghìn ha cây chè. Tỉnh đã tạo điều kiện cho các huyện Tràng Định, Hữu Lũng, và Lộc Bình phát triển ngành nuôi cá.
Cuối tháng 11/1968, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm và làm việc tại Lạng Sơn. Sau khi làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, đồng chí Lê Duẩn tới thăm Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Cao Lộc - nơi có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác thủy lợi, trồng cây của tỉnh.
Đến cuối năm 1970, diện tích gieo trồng toàn tỉnh là 53.649 ha, sản lượng thu được hơn 80.000 tấn lương thực; về y tế xây dựng được 9 bệnh viện tuyến huyện; về giáo dục tất cả các huyện đều đã có trường phổ thông cấp III.
Năm 1972 là năm Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn huy động tới mức tối đa mọi khả năng ý chí, nghị lực và công sức cho hoàn thành nhiệm vụ của “cảng nổi” kiên cường, xứng đáng với sự tin yêu của cả nước.
6. Lạng Sơn từ năm 1975 đến năm 1985
6.1. Khôi phục cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội từ năm 1975 đến năm 1978
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn hân hoan đón nhận tin vui đất nước thống nhất, chuẩn bị sẵn sàng bước vào xây dựng quê hương Xứ Lạng trong điều kiện cả nước có hòa bình.
Ngày 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá V quyết định bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính. Tháng 4/1976, tỉnh Lạng Sơn hợp nhất với tỉnh Cao Bằng thành tỉnh Cao Lạng.
Ngày 29/12/1978, Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 4 đã quyết định tách tỉnh Cao Lạng trở lại thành 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, đồng thời quyết định sáp nhập huyện Đình Lập từ tỉnh Quảng Ninh vào tỉnh Lạng Sơn..
6.2. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ từ năm 1979 đến năm 1985
Ngày 17/02/1979, phía đối phương tiến hành lấn chiếm trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, trong đó có khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn. Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã sát cánh cùng bộ đội biên phòng, bộ đội chủ lực, bẻ gẫy nhiều cuộc tấn công và làm chậm bước tiến đánh nhanh thắng nhanh của đối phương. Trước những đòn giáng trả mạnh mẽ, quyết liệt của quân và dân ta; đồng thời bị tổn thất nặng nề và trước sự lên án kịch liệt của dư luận quốc tế và trong nước, ngày 05/3/1979, Trung Quốc lần lượt rút khỏi toàn tuyến biên giới[29]; đến ngày 18/3/1979 về cơ bản đã rút quân khỏi nước ta.
Trong cuộc chiến đấu này quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, với nhiều thành tích chiến đấu anh dũng, nhiều đơn vị và cá nhân đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Đội Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Lạng Sơn), Đồn Biên phòng Hữu Nghị, Đồn Biên phòng Pò Mã (Đồn 187), Đại đội 5 cơ động Công an nhân dân vũ trang (Bộ đội biên phòng) tỉnh Lạng Sơn. Nhiều cá nhân được Nhà nước tuyên truyền Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau khi chiến tranh kết thúc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục ổn định sản xuất đời sống, đưa hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội đi vào nền nếp, xây dựng thế trận phòng thủ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới, thực hiện kế hoạch Nhà nước giai đoạn 1981 - 1986.
Từ năm 1981 đến năm 1985, sản lượng lương thực tăng bình quân hàng năm 3,9%. Cây công nghiệp ngắn ngày tăng 9%, đàn trâu tăng 1,8%, đàn bò tăng 6,1%, đàn lợn tăng 4,8%. Diện tích trồng rừng tăng được 12.000 ha. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 3,5%. Tổng sản phẩm xã hội tăng 6,9%, thu nhập quốc dân tăng 3,9%. Vốn đầu tư xây dựng là 260 triệu đồng, tăng 37,9% so với 5 năm trước. Những kết quả đó đã tạo tiền đề cho Lạng Sơn bước vào xây dựng phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
7. Lạng Sơn trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay
7.1. Giai đoạn 1986 - 2000
Sau 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã giành được những thành tựu nổi bật quan trọng: Kinh tế liên tục phát triển, nhịp độ tăng trưởng đạt khá cao; GDP bình quân thời kỳ từ 1986 - 2000 tăng hàng năm 7,53%. Tỷ trọng các ngành kinh tế trong GDP chuyển dịch đúng hướng. Ngành nông lâm nghiệp giảm từ 63,17% năm 1986 xuống còn 51,07%; ngành công nghiệp- xây dựng cơ bản tăng từ 8,32% năm 1986 lên 12,53%; ngành thương mại- dịch vụ tăng từ 28,51% năm 1986 lên 36,40% năm 2000. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2000 đã thực hiện được 828,84 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực quy thóc tăng từ 124.724 tấn năm 1985 lên 206,213 tấn; bình quân lương thực người trên năm tăng từ 235kg năm 1985 lên 284,2 kg năm 2000.
Năm 1997, tỉnh được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Đến năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) giảm từ trên 40% năm 1985 xuống còn 11%; độ che phủ rừng tăng từ 17% năm 1985 lên 33,88%; tỷ lệ số xã có điện lưới quốc gia là 66,67%; tỷ lệ số hộ được dùng điện lưới tăng từ trên 20% năm 1985 lên 61%; tỷ lệ số hộ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam tăng từ 40% năm 1985 lên 94%; tỷ lệ số hộ được xem truyền hình Việt Nam tăng từ trên 10% năm 1985 lên 73%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm là 100%; số xã, phường, thị trấn có bác sỹ đạt 40,8%.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường củng cố, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường: Số lượng, chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng và số Đảng bộ, chi bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh không ngừng tăng qua từng năm. Tổng số đảng viên tăng từ 20.000 năm 1986 lên 29.631 năm 2000. Vai trò, hiệu lực lãnh đạo và uy tín của Đảng được nâng cao; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với công cuộc đổi mới được củng cố vững chắc.
7.2. Giai đoạn 2001 - 2005
Trong giai đoạn này, tỉnh đã lãnh đạo nhân dân phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết các dân tộc, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh, đạt được những kết quả quan trọng:
Kinh tế có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 10,04%, cao hơn thời kỳ 1996 - 2000 (9,25%), GDP bình quân hằng năm 2005 đạt 5,9 triệu đồng gập 1,74 lần năm 2000. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực. Thu ngân sách đạt kết quả khá, bình quân mỗi năm trên 700 tỷ đồng, gấp 1,62 lần bình quân giai đoạn 1996 - 2000; lương thực bình quân đầu người đạt 366kg, vượt mực tiêu để ra.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện: Thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho 193 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 85,4%. Đến đầu năm 2005, có 70% số trạm y tế xã có bác sỹ; 45% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; tỷ lệ hộ xem truyền hình đạt 72%, nghe Đài tiếng nói Việt Nam đạt 100%; 94,2% số xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, 80,5% số hộ được sử dụng điện lưới; thuê bao điện thoại cố định đạt 5,8 máy/100 dân; 75% dân cư thành thị và 55% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,8% (năm 2000 là 19,6%).
Quốc phòng, an ninh được tăng cường củng cố, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường. Hệ thống tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn và củng cố; xây dựng tổ chức các cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Công tác kiểm tra, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đối với đảng viên và tổ chức đảng được tăng cường; thực hiện tốt công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên, chỉ đạo tách các chi bộ sinh hoạt ghép ở nhiều thôn, nâng số thôn, khối phố có chi bộ lên 90%, hoàn thành mục tiêu Đại hội XIII để ra. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, mỗi năm kết nạp trên 2.000 đảng viên, hoàn thành việc xóa các thôn “trắng” đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ tỉnh lên 3.800 đảng viên.
7.3. Giai đoạn 2006 - 2010
Trong giai đoạn này, tỉnh lãnh đạo nhân dân tăng cường đoàn, phát huy sức mạnh tổng hợp tổng hợp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Lạng Sơn phát triển bền vững, đạt được kết quả trên các lĩnh vực như sau:
Kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá cao: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2006-2010) đạt 10,45%, GDP bình quân đầu người đạt 820 USB, gấp 2 lần so với năm 2005; kim ngạch xuất nhập khẩu địa bàn tăng bình quân hàng năm 30%; kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được tăng cường; tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 16,8% gấp 2,2 lần so với năm 2005; làm mới, cải tạo và nâng cấp được 358km đường các loại; độ che phủ rừng năm 2010 đạt 49,1%.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyến biến tiến bộ: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29% năm 2005 xuống còn dưới 17,85% năm 2009; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 5,2% năm 2005 xuống dưới 4% năm 2010; đến hết năm 2010, đạt 8 bác sỹ/1 vạn dân, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 29% năm 2005 xuống còn 19,5% năm 2010; hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trong năm 2006; đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi năm 2008; có thêm 51 trường công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số chuẩn quốc gia, đến hết năm 2010 là 84 trường.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc; hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đang viên. Quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, trong nhiệm kỳ kết nạp được 11.337 đảng viên, đạt 113,3% chỉ tiêu, toàn đảng bộ có 47.531 đảng viên.
7.4. Giai đoạn 2011 - 2015
Trong giai đoạn này, Tỉnh ủy tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu để Lạng Sơn cơ bản đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước, đạt được những kết quả quan trọng:
Kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) bình quân hằng năm, giai đoạn 2011-2015 đạt 8,65%. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 34,76 triệu đồng (gấp 2,1 lần so với năm 2010); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng trưởng khá, năm 2015 đạt 3.500 triệu USD, gấp 1,7 lần so với năm 2010; năm 2015 toàn tỉnh có khoảng 1.950 doanh nghiệp; bình quân lương thực đầu người năm 2015 đạt 402kg; độ che phủ rừng đạt 54,5%; đến hết năm 2015 có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyến biến tiến bộ: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; có 130 trường đạt chuẩn quốc gia; 8,7 bác sỹ và 25,8 gường bệnh/1vạn dân; Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 28,34% năm 2010 xuống còn 11,9% năm 2015; 97,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; có 85% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 97% cư dân đô thị được dùng nước sạch; có 23 xã đạt bộ tiêu chí về chuẩn nông thôn mới.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo, sức chiến dấu của toàn Đảng bộ được nâng. Công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ được đặc biệt coi trọng. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng gắn liền với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị.
7.5. Giai đoạn 2016 - 2022
Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015); toàn tỉnh đã có 65/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có gần 3.000 doanh nghiệp của cả nước thường xuyên tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, tổng kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn bình quân hằng năm tăng 6,1%; tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 82%; tỷ lệ mật độ che phủ rừng đạt 63%; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, có hiệu quả, năng lực hội nhập quốc tế được nâng lên.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội, chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ rõ nét, đến năm 2020 toàn tỉnh có 225/694 trường đạt chuẩn quốc gia; có 145/200 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đạt 72,6%, có 11 bác sỹ và 30,7 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%; năm 2020 có 77% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 78% thôn, bản, khố phố đạt danh hiệu văn hóa; số hộ nghèo là 16.115 hộ, chiếm 7,89%; số hộ cận nghèo là 18.959 hộ, chiếm 9,27%; có 99,9% dân cư đô thị được dùng nước sạch, có 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là đồng bào vùng cao, vùng biên giới ngày càng được được cải thiện.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên tiếp tục được nâng cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền quyết liệt hơn. Hệ thống chính trị không ngừng củng cố vững mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong số 20 chỉ tiêu chủ yếu, đã có 18 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Đại hội đề ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,51% so với cùng kỳ; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới có bước chuyển biến tích cực; tư duy sản xuất bước đầu đã có sự thay đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hoá, thể thao, thông tin và truyền thông đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm được thực hiện có hiệu quả, an sinh xã hội được bảo đảm. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Công tác đối ngoại được thực hiện chủ động và hiệu quả, triển khai đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các quy định của Trung ương của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên qua đó góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Sau 36 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực, từng bước khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng ngày một ổn định, vững chắc. Từ nền kinh tế quản lý tập trung với chủ yếu hai thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể, đã chuyển sang phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nhà nước giữ vững các khâu then chốt, tiếp tục tăng trưởng, từng bước phát huy vai trò chủ đạo; các thành phần kinh tế khác được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển ngày càng đa dạng, phát huy được tính năng động, gắn hiệu quả, giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội. Trong từng giai đoạn, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã có sự vận dụng sáng tạo, có biện pháp thích hợp để phát huy được lợi thế, nắm bắt các cơ hội, lựa chọn các ngành, các lĩnh vực trọng tâm để tập trung đầu tư, tạo động lực đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch khá tích cực, ngày càng hợp lý hơn, vừa có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo ra các cân đối mới để phát triển ổn định, bền vững hơn.
Kỷ niệm 191 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11/1831 - 04/11/2022) là dịp để chúng ta tự hào về truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần cách mạng kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước của các thế hệ cha anh đi trước. Kế tục và phát huy truyền thống cao quý đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra ./.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY LẠNG SƠN