Tổ chức chương trình tham quan trải nghiệm tuyến du lịch địa chất, đa dạng sinh học và văn hóa lịch sử Công viên địa chất Lạng Sơn tại huyện Chi Lăng
Ngày 21/02/2025, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã tổ chức chương trình tham quan trải nghiệm tuyến du lịch địa chất, đa dạng sinh học và văn hóa lịch sử Công viên địa chất Lạng Sơn tại huyện Chi Lăng (hành trình từ Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng, Ải Chi Lăng, Đền Chầu Mười, Miếu Cô Chín, Đền Cấm, Trụ sở làm việc của UBND huyện Chi Lăng). Thành phần gồm Lãnh đạo, Viên chức Phòng Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn; Đại diện các phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện Chi Lăng; Đại diện một số doanh nghiệp lữ hành, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn; Phóng viên Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn.
Chuyến đi đã giúp đoàn tìm hiểu, khảo sát các điểm đến nổi bật, bao gồm Nhà Trưng bày Chiến thắng Chi Lăng, Ải Chi Lăng, xã Chi Lăng, cùng các đền, miếu có giá trị văn hóa và lịch sử đặc sắc như Đền Cấm, Miếu Cô Chín, thị trấn Đồng Mỏ và Đền Chầu Mười, xã Hoà Bình. Đoàn đã được tham gia các hoạt động khảo sát thực tế tại từng điểm đến. Tại Nhà Trưng bày Chiến thắng Chi Lăng, đoàn nghe thuyết minh về ý nghĩa lịch sử và các sự kiện quan trọng gắn liền với khu vực này. Tại Ải Chi Lăng, Đoàn được giới thiệu về những đặc điểm địa lý độc đáo và các di tích chiến tranh lịch sử. Tiếp theo, đoàn thăm các di tích tâm linh, nơi gắn liền với những truyền thuyết dân gian, nhằm tìm hiểu sâu về các giá trị văn hóa và tín ngưỡng của người dân địa phương.
Sau chương trình tham quan, Đoàn tổ chức một cuộc họp tại UBND huyện Chi Lăng để tổng hợp ý kiến và đánh giá tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện. Các đại biểu đã nghe giới thiệu về tổng quan Công viên địa chất Lạng Sơn và các giá trị đặc trưng của huyện Chi Lăng. Tại buổi làm việc, đại diện Phòng Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã chia sẻ thông tin về các tuyến du lịch tiềm năng trong khu vực, cùng các giải pháp nhằm khai thác và phát triển du lịch bền vững. Các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra một số ý tưởng, bao gồm việc hình thành “Con đường mòn địa chất gắn với hành trình khám phá di sản văn hoá” (dự kiến từ Đình Làng Mỏ đến Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng - Ải Chi Lăng - Đền Chầu Mười - Miếu Cô Chín - Đền Cấm - Quán Cà phê hoặc Nhà hàng đối tác Công viên địa chất Lạng Sơn) trên địa bàn huyện Chi Lăng kết nối các di sản thiên nhiên, văn hoá, cải thiện cơ sở vật chất dọc tuyến đường, chú trọng xây dựng biển chỉ dẫn rõ ràng để tạo thuận lợi cho việc tham quan. Một trong những điểm nhấn trong cuộc họp là việc thúc đẩy công tác truyền thông để quảng bá các sản phẩm du lịch của Công viên địa chất Lạng Sơn, nhằm thu hút thêm nhiều du khách.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung vào việc hợp tác với các trường học để tổ chức các chương trình du lịch về nguồn cho học sinh, sinh viên, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh phù hợp cho du khách trong nước, đồng thời xây dựng các tour du lịch cộng đồng và các hoạt động trải nghiệm văn hóa cho khách quốc tế. Các giải pháp này nhằm nâng cao nhận thức về việc phát triển du lịch bền vững và khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa, sinh thái của huyện Chi Lăng. Thông qua chuyến tham quan trải nghiệm, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức các cơ sở kinh doanh du lịch về tiềm năng du lịch địa phương, thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, đồng thời quảng bá mạnh mẽ các giá trị đặc sắc của huyện Chi Lăng, đặc biệt là những yếu tố liên quan đến địa chất, đa dạng sinh học và văn hóa lịch sử.
Phạm Hương