Trang phục truyền thống nam, nữ Dao Lù Gang

Việt Hưng 07/11/2023

Trang phục truyền thống nam, nữ Dao Lù Gang

Trang phục truyền thống dân tộc Dao Lù Gang xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình

1. Tên gọi: Trang phục truyền thống nam, nữ Dao Lù Gang

2. Loại hình: Tri thức dân gian về trang phục.

3. Địa điểm: huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá:

Đại diện: Cộng đồng dân tộc Dao huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

Trang phục của người Dao đã tồn tại từ rất lâu đời. Trang phục ra đời trước hết để bảo vệ cơ thể con người chống lại các tác động có hại của ngoại cảnh như: khí hậu, côn trùng… Để làm nên một bộ trang phục hoàn chỉnh mỗi dân tộc đều thực hiện theo một quy trình như: trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm, cắt khâu y phục, thêu trang trí…

- Trang phục Nam: Đàn ông dân tộc Dao Lù Gang thường mặc áo tứ thân, cỏ có hò, tà áo phải có nẹp phụ kéo dài từ cổ xuống đến gần gấu để đơm khuy, khuy áo tết bằng vải; thân áo, tay áo có thể thêu hình hoa lá hoặc không thêu gì; quần cắt kiểu chân què, cạp rộng và buộc dây màu chàm hoặc màu đen.

 - Trang phục nữ: Rất đa dạng về kiểu cách cũng như các họa tiết hoa văn trang trí. Phụ nữ dân tộc Dao rất yêu thích các loại chỉ ngũ sắc, thêu trên nền vải chàm hoặc vải đen. Các hoạ tiết hoa văn trên trang phục được các chị các bà tự sáng tạo ra mà không cần kẻ vẽ trước và thêu mặt trái là kỹ thuật thêu độc đáo của riêng dân tộc Dao. Một bộ trang phục của phụ nữ Dao gồm: áo, yếm, xà cạp, cùng đồ trang sức bạc, khăn vấn đầu...

+ Áo yếm: Yếm của Dao Lù Gang có nhiều họa tiết hoa văn, đính từ 2 đến 3 hình ngôi sao bạc loại to và rất nhiều ngôi sao bạc nhỏ.

+ Áo ngoài: Làm bằng vải màu đen, trước đây thường dùng vải nhuộm chàm, áo dài trên đầu gối, gồm có 3 tà: hai tà trước vắt chéo nhau và một tà sau, viền áo trang trí màu đỏ hoặc vàng, cổ áo và tay áo thêu hoa văn màu sắc sặc sỡ từ 7 - 10cm thắt lưng màu trắng, hai đầu thêu hình cây mọc trên các lớp cỏ hoặc hình hoa văn mà họ yêu thích.

+ Quần: Bằng vải màu đen hoặc vải nhuộm chàm, cắt kiểu chân què, ống ngắn trên mắt cá chân, rộng vừa phải, gấu quần thêu hoa văn từ 10 - 15cm. Xà cạp hình tam giác, bằng vải chàm có viền, dây xà cạp rộng 1cm, được dệt bằng chỉ màu, hoa văn xà cạp chủ yếu hình trám.

+ Khăn đội đầu: Phụ nữ người Dao Lù Gang thường để tóc dài để vấn khăn lên quanh đầu, tóc mai và tóc gáy cạo hoặc nhổ sạch. Khăn đội đầu là các miếng vải hình chữ nhật (20cm x 30cm) viền đỏ hoặc vàng xung quanh, các miếng vải này xếp trồng lên nhau, miếng trên cùng được thêu hoặc dùng loại vải có hoa văn sặc sỡ. Các miếng vải hình chữ nhật này được gắn lại bằng cách cài kim băng bên trong, bên ngoài quấn 3, 4 vòng chuỗi hạt đỏ, vàng, đen hoặc trắng... như vậy sẽ giữ được chắc khăn vấn trên đầu.

+ Các phụ kiện đi kèm trang phục gồm có: dây xà tích, khuyên tai, kiềng bạc, lắc chân, tay...

6. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Đã cải biên, đổi mới. Cụ thể là: trước đây hoa văn trên trang phục chủ yếu bằng vải màu, có thể 2 hoặc 3 màu nhưng hiện nay do thị trường có sẵn nhiều loại vải trang trí nên người dân đã dùng các loại vải trang trí, vải hoa công nghiệp nhiều màu sắc để thay thế làm viền áo và làm khăn đệm.                                   

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

Chính quyền địa phương cần tìm hiểu và nghiên cứu các bước thực hiện từng khâu trong quy trình trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm, cách cắt, may trang phục truyền thống của địa phương để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đưa ra các chính sách để bảo vệ và giữ gìn trang phục truyền thống tại địa phương.

8. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.  

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.02725 sec| 818.18 kb