Lễ tết trong năm của người Dao

Việt Hưng 07/11/2023

Lễ tết trong năm của người Dao

Chúc tết tại nhà một người Dao huyện Lộc Bình

1. Tên gọi: Lễ tết trong năm của người Dao

2. Loại hình: tập quán xã hội.

3. Địa điểm: huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá:

Đại diện: Cộng đồng đan tộc Dao huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

Các lễ tết trong năm của người Dao được tính theo âm lịch, được xuất hiện từ rất lâu đời.Trải qua quá trình lịch sử và sự biến đổi của tự nhiên, quá trình di cư, cộng cư, sự giao hòa văn hóa, tiếp thu văn hóa của các dân tộc lân cận, đã hình thành một hệ thống lễ tết như ngày nay.

 Tết Nguyên đán: Người Dao ăn tết Nguyên đán theo lịch âm của Việt Nam, là tết to nhất trong năm và kéo dài từ khoảng 25 tháng chạp đến chừng mồng 10 tháng giêng. Người Dao ăn tết hai lần: lần thứ nhất là ăn tết kết thúc năm cũ, lần thứ hai là ăn tết năm mới.

Trong suốt những ngày tết, bữa ăn nào đồng bào Dao cũng đặt cơm rượu lên bàn thờ mời tổ tiên cùng ăn. Đêm tất niên người Dao đặt nguyên con gà luộc lên bàn thờ và thắp hương cả đêm. Đồ ăn trong ngày tết chủ yếu là thịt lợn, thịt gà, bánh trưng, bánh khảo, bánh dày. Rượu thì đương nhiên không thể thiếu. Sáng mùng 1 người Dao dán giấy đỏ  ngoài cửa, chuồng gà, chuồng trâu... để hi vọng một năm may mắn.

Tết Thanh minh: Vào ngày mùng 3/3 âm lịch đồng bào Dao tiến hành tỏa mộ. Họ đem theo dao, cuốc, và đồ lễ như vàng hương, tiền, đồ ăn... ra mộ để làm cỏ, sửa sang, cúng xong đốt giấy có khi họ ăn tại mộ xong mới về. Cũng có khi cúng tại nhà mà không mang theo đồ ăn ra mộ.

Rằm tháng 7: Vào ngày 14/7 âm lịch hàng năm, đồng bào Dao ăn tết rằm tháng 7. Dù đi đâu người ta cũng cố về cho kịp rằm tháng 7 để dự lễ tết thần linh. Nếu người nào đó chẳng may không về kịp, hoặc bị ốm dọc đường thì lời phán của thầy bói hẳn sẽ là do không cúng tết thần linh. Khi đó gia đình sẽ phải sắp ngay một lễ y như rằm tháng 7 để cúng xá tội và “ bệnh người đó sẽ khỏi liền”. Ngày đó đồng bào dao làm bánh, làm bún ăn cùng thịt vịt. Trước khi ăn họ đặt mỗi thứ một bát lên bàn thờ cúng.

Lễ tết thường tổ chức vào thời gian nông nhàn, vào dịp kết thúc một giai đoạn sản xuất, bởi vậy nó là dịp để con cháu quây quần, sum họp, trở về với gia đình, quê hương sau thời gian làm ăn, học tập xa nhà; đây cũng là dịp quây quần, sum họp gia đình để các thành viên thăm hỏi, động viên nhau; là dịp thắt chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

6. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Vẫn thực hiện trong đời sống.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

          Hiện nay, đồng bào vẫn cố gắng duy trì tổ chức các ngày lễ tết trong một năm với đầy đủ các thủ tục, món ăn, loại bánh trái đặc trưng, hướng dẫn và tạo điều kiện cho con cháu có thể tham gia vào các công việc chuẩn bị, cũng lễ cùng với ông bà, bố mẹ; tạo không khí thật ấm cúng trong gia đình. Cùng với việc dạy gói bánh, chuẩn bị mâm cúng, những người lớn tuổi, hiểu biết trong gia đình luôn giải thích ý nghĩa của từng công việc, từng nghi lễ trong từng ngày tết nhằm khơi dậy lòng tự hào về nguồn gốc, lịch sử tổ tiên, tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, lòng yêu quê hương xứ sở.

          Đề xuất: Tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa văn hóa của các ngày lễ tết để xây dựng  phương án bảo tồn, gìn giữ và phát triển nó; tổ chức hướng dẫn bà con cách tổ chức lễ tết an toàn, lành mạnh, tiết kiệm và khoa học.

            8. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

 

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.04730 sec| 808.547 kb