Lễ cấp sắc Dao Lù Gang

Việt Hưng 07/11/2023

Lễ cấp sắc Dao Lù Gang

Lễ cấp sắc Dao Lù Gang huyện Bắc Sơn

1. Tên gọi: Lễ cấp sắc Dao Lù Gang

2. Loại hình: tập quán xã hội.

3. Địa điểm: huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

4 Chủ thể văn hoá:

Đại diện Cộng đồng dân tộc Dao huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

Tổ tiên của người Dao truyền lại rằng, thuở xa xưa người Dao đang sống bình yên trong khắp các bản làng miền núi thì bỗng dưng có nạn ma quỷ xuất hiện cướp phá, giết người và cuộc sống bị đẩy vào cảnh vô cùng bi thương, thê thảm. Ngọc Hoàng nhìn thấy cảnh ngộ này đã sai các vị thần tiên mang phép thuật xuống hạ giới để truyền phép thuật cho người Dao. Sau đó, người Dao đã cùng hiệp sức với thần tiên nhà trời diệt trừ được ma quỷ. Đề phòng sau này ma quỷ lại quay trở lại làm hại con người, Ngọc Hoàng yêu cầu hàng năm người Dao tổ chức nghi lễ truyền pháp thuật cho những người đàn ông làm chủ trong gia đình để sẵn sàng trừ ma diệt quỷ và nghi lễ này được gọi là lễ cấp sắc hoặc là lễ "quá tăng".

Mặt khác người Dao quan niệm rằng người nào được cấp sắc sau này chết, hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên. Cấp sắc cũng còn có nghĩa là lễ “khai sinh” hay lễ nhận lấy tên của thánh thần ban định cho, cho nên những bản cấp sắc còn có ý nghĩa như là một “giấy thông hành” để sau khi chết có thể về ngay thế giới bên kia mà không phải qua kiếp bị đoạ đầy ở âm phủ. Người nào được cấp sắc mới được xã hội coi là người lớn. Lễ cấp sắc của người Dao có 3 bậc:

 Bậc 1 - Cấp sắc 3 đèn: Cấp sắc 3 đèn là cấp sắc đại trà cho con trai người Dao đến tuổi đặt tên âm (fạ bủa) để ghi vào danh sách gia phả tổ tiên trong gia đình và dòng họ. Cũng có thể hiểu là làm lễ trưởng thành, đủ tư cách làm “người lớn” có sư phụ bảo hộ và hướng dẫn đường đời, đồng thời thoát khỏi thời kỳ “trẻ con”, tạ ơn và chia tay với “Bà Mụ” vĩnh viễn.

 Bậc 2 - Cấp sắc 7 đèn: Cấp sắc 7 đèn chỉ để dành cho những người xuất chúng trong số người đàn ông đã cấp sắc 3 đèn. Là người có khả năng làm thầy chủ trì lễ cấp sắc 3 đèn cho học trò, có khả năng chủ trì một số loại lễ hội cầu mùa, giải hạn và tang lễ…

Bậc 3 - Cấp sắc 12 đèn: Người được cấp sắc 12 đèn là những người tiêu biểu đã được cấp sắc 7 đèn và có khả năng tổ chức các lễ hội cấp sắc thành thạo, có uy tín.

Lễ cấp sắc là một di sản văn hoá quý báu, đồng thời cũng là một kho tư liệu rất quý giúp cho việc nghiên cứu về nhiều lĩnh vực như: Tôn giáo, tín ngưỡng, văn hoá tộc người… Trong đó chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp và mang đậm bản sắc dân tộc Dao.

6. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

hầu hết những người Dao đã trải qua lễ cấp sắc.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

 Hiện nay văn hóa truyền thống của đồng bào Dao đang có nhiều biến đổi sâu sắc trước xu thế phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc anh em trong cùng một không gian sinh sống. Do vậy, chúng ta cần phải bảo tồn và phát huy những giá trị trong văn hóa truyền thống của đồng bào Dao.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xá đói giảm nghèo cho đồng bào Dao. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ các hà nghiên cứu về văn hóa của dân tộc mình.

Thứ hai, tuyên truyền giáo dục rộng rãi văn hóa các dân tộc thiểu số để nâng cao lòng tự hào dân tộc để đồng bào thấy rõ giá trị phong phú, độc đáo trong văn hóa dân tộc. Bởi vì, bản sắc văn hóa dân tộc chỉ có thể được bảo tồn, phát huy khi mọi di sản văn hóa quý báu được lưu giữ vững chắc trong bảo tàng và ý thức của mỗi người dân, do chính họ là người thực hiện. Việc tuyên truyền giáo dục này không chỉ thông qua việc giáo dục trường học và các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài truyền hình, đài truyền thanh... Đây là việc làm hết sức cần thiết để đồng bào Dao hiểu sâu hơn giá trị văn hóa của cộng đồng mình, vừa để các dân tộc hiểu biết lần nhau, đoàn kết tương trợ nhau.

Thứ ba, bản sắc văn hóa tộc người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các kênh truyền miệng, hướng dẫn thực hành. Người Dao đã lưu giữ tri thức dân gian trong sách vở và mở ra một kênh lưu truyền hiệu quả qua các thế hệ, xuyên cả thời gian là sách cổ. Sách cổ ghi chép hàng nghìn câu lời hay ý đẹp phản ánh quan hệ ứng xử giữa người với người trong cộng đồng, ứng xử giữa con người với thiên nhiên. Sách cổ cũng ghi chép các lễ nghi, phong tục, tín ngưỡng để trao truyền cho các thế hệ sau. Suốt từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay về với tổ tiên, người Dao luôn tăm mình trong các giá trị văn hóa được ghi chép trong sách cổ.

 8. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.15205 sec| 812.359 kb