Hát Páo Dung
Hát Páo Dung
1. Tên gọi: Hát Páo Dung
2. Loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian.
3. Địa điểm: huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
4. Chủ thể văn hoá:
Đại diện
Cộng đồng dân tộc Dao huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể
Hát Páo dung là hát dân ca của dân tộc Dao, là phương tiện chuyển tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày.Hát Pả dung ra đời và phát triển từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao. Páo dung được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của dân tộc Dao ở Lạng Sơn.
Páo dung là một hình thức diễn xướng dân gian, trong hát Páo dung người thực hành hát sẽ mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao gồm: Áo, quần, khăn dội đầu, trang sức như vòng cổ, khuyên tai, vòng tay và đặc biệt không dùng thêm nhạc cụ nào khác
Hình thức, kỹ thuật và quy trình thực hành:
- Nội dung hát Páo dung gồm có:
+ Hát Páo dung trong sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than...
+ Hát Páo dung trong đời sống gồm những bài hát ca ngợi lao động sản xuất, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, canh tác nương rẫy hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ được các thế hệ người Dao tích lũy và truyền lại cho thế hệ sau. Nét độc đáo trong hát Páo dung là đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa.
+ Hát Páo dung lễ nghi tín ngưỡng - phong tục gồm các bài hát được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao như lễ cấp sắc, lễ cưới, cúng đầy tháng…
6. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể
- Số lượng biết và am hiểu, thường xuyên thực hành hiện nay rất ít.
7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:
- Hiện nay làn điệu hát Páo dung trên địa bàn số người biết hát hiện còn rất ít. Nên việc khôi phục là rất quan trọng, người dân chỉ hát khi có việc vui, buồn, không thường xuyên và phạm vi ảnh hưởng lan tỏa không rộng, chủ yếu xuất phát từ sự đam mê muốn giữ gìn lại của một số người để cho thế hệ mai sau, chưa có tổ chức, cá nhân nào đứng ra khôi phục, nhân rộng.
- Đề nghị Hội bảo tồn dân ca, UBND xã, Phòng Văn hóa, Thông tin huyện thành lập câu lạc bộ hát Páo dung để duy trì bảo tồn, đồng thời khuyến khích động viên những người am hiểu truyền dạy cho thế hệ trẻ và thường kỳ tổ chức giao lưu với các xã và khuyến khích, động viên khen thưởng kịp thời những người nhiệt tình có nhiều thành tích đóng góp nổi bật trong việc bảo tồn loại hình tri thức dân gian này.
8. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.