Đa dạng sinh học trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
Lạng Sơn là một trong những tỉnh Đông Bắc Việt Nam có hệ sinh thái đặc biệt trên núi đá vôi mà điển hình là ở Khu dự trữ thiên nhiên Hữu Liên, nằm trên địa bàn 05 xã thuộc 03 huyện gồm: các xã Hữu Liên, Hòa Bình, Yên Thịnh huyện Hữu Lũng; xã Hữu Lễ huyện Văn Quan; xã Vạn Linh huyện Chi Lăng (theo quyết định số 2447/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 của UBND tỉnh Lạng Sơn). Khu dự trữ được thành lập năm 1990, cách Hà Nội khoảng 90 km về phía Bắc, gồm toàn bộ xã Hữu Liên và một phần của xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Theo http://birdlifeindochina.org/source_book thì đã ghi nhận được 794 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 162 họ, với 31 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó đặc biệt đáng chú ý là các loài: Hoàng đàn Cupressus torulosa, Nghiến Burretiodendron tonkinensis, Trai Garcinia fagraeoides.
Hoàng đàn Cupressus torulosa
Theo Nguyễn Xuân Đặng et al. (1999) thì ở khu hệ động vật Hữu Liên đã ghi nhận được 57 loài thú, 23 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư. Trong số đó, có 29 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Tác giả cũng khẳng định sự có mặt của loài Hươu xạ Moschus berezovskii và hai loài linh trưởng là: Voọc đen má trắng Semnopithecus francoisi francoisi và Vượn đen Hylobates concolor.
Hoa hồi vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
Một số đại diện tiêu biểu của đa dạng sinh giới Lạng Sơn ngày nay đã trở thành nổi tiếng như hoa hồi (diện tích Hồi trên địa bàn tỉnh khoảng 34.825 ha, sản lượng trên 15.000 tấn/năm, sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn được coi là tài sản quốc gia, được nhà nước bảo vệ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ), Đào phai và đặc biệt, có cây Sấu thuộc loại lâu đời nhất ở Việt Nam với trên 1.000 năm tuổi ở Bản Nầng, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, cây đa, cây khế 300-500 năm tuổi ở xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn...
Phạm Hương tổng hợp